Tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA là tiêu chuẩn đánh giá, giám định chất lượng kim cương được xây dựng bởi GIA – tổ chức kiểm định kim cương lâu đời và uy tín nhất trên toàn thế giới.
Mục lục
1. Tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA – Color (Màu sắc)
1.1. Kim cương không màu
Với kim cương không màu thì tiêu chuẩn màu sắc lúc này được định nghĩa là độ không màu của kim cương. Theo tiêu chuẩn 4C kim cương, độ không màu sẽ phân cấp từ cấp D (hoàn toàn không màu) đến cấp Z (có màu vàng nhạt).
Theo đó:
- Kim cương cấp D-F: Nhóm kim cương không màu
- Kim cương cấp G-J: Nhóm kim cương gần như không màu
- Kim cương cấp K-M: Nhóm kim cương hơi có màu
- Kim cương cấp N-Y-Z: Nhóm kim cương có màu vàng ới hơi nâu, nâu nhạt
Ngày nay thang phân cấp màu theo tiêu chuẩn 4C kim cương của GIA được phổ biến rộng rãi nhau trong hệ thống giám định kim cương không màu trên toàn thế giới. Nó còn được gọi với cái tên là thang phân cấp chất lượng kim cương không màu từ cấp D tới Z.
Thang phân cấp màu theo tiêu chuẩn 4C kim cương
Để phân các và xác định chính xác độ không màu của kim cương, các chuyên viên giám định căn cứ vào bộ mẫu chuẩn hay còn gọi là master stones. Đây là bộ “màu chuẩn” để đối chiếu được GIA xác định trong dải màu từ D tới Z.
Một số nơi thì sử dụng “máy đo màu kim cương” hay “máy đo màu điện tử” xác định màu dựa trên nguyên tắc khả năng hấp thụ màu lam của kim cương. Theo đó độ đậm màu vàng càng cao thì khả năng hấp thụ màu vàng sẽ càng tăng.
1.2. Kim cương có màu
Nếu như giám định màu theo thang D-Z dựa trên độ không màu hay sự “vắng mặt” của màu sắc thì giám định kim cương màu lại dựa trên sự có mặt các yếu tố của màu. Trong đó có tông màu, gam màu, độ bão hòa màu.
Trong đó:
- Gam màu: Cảm quan màu sắc, màu nền của mẫu thử
- Tông màu: Biểu thị độ sáng – tối của một màu
- Độ bão hòa màu: Mức độ mạnh hay cường độ màu, phân loại theo cấp từ từ xỉn màu tới tươi hoặc tinh khiết
Kim cương có màu được phân cấp theo cấp độ màu trong đó cấp độ màu là sự kết hợp giữa độ bão hòa màu và tông màu, thể hiện độ rõ ràng của màu sắc.
Khác với kim cương không màu được kiểm tra khi quan sát từ phần đáy thì kim cương có màu được phân cấp chất lượng khi quan sát viên kim cương từ trên mặt bàn.
Kim cương có màu
2. Tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA – Clarity (Độ tinh khiết)
Kim cương tự nhiên được hình thành trong lòng đất, chịu tác động bởi nhiệt độ và áp suất cao qua hàng tỷ năm nên hầu như bất kỳ viên kim cương nào cũng chứa một hoặc vài “khiếm khuyết”. Những “vết” trong kim cương có thể ảnh hưởng tới sự truyền ánh sáng, độ lấp lánh và một phần ảnh hưởng tới giá trị của viên kim cương.
Dấu hiệu độ tinh khiết của kim cương được đánh giá dựa trên bao thể bên trong (inclusions) và những tỳ vết bên ngoài (blemishes). Theo đó các chuyên gia đá quý có chuyên môn sẽ sử dụng kính hiển vi với độ phóng đại x10 để xác định mức độ tương đối các tỳ vết bên ngoài và bao thể bên trong viên kim cương.
Cụ thể viên kim cương được phân cấp độ tinh khiết như sau:
STT | Ký hiệu theo GIA | Phân cấp | Ý nghĩa |
1 | Flawless (FL) | Hoàn hảo, không phát hiện bao thể | |
2 | Internally Flawless (IF) | Không phát hiện bao thể bên trong | |
3 | Very Very Slightly Included (VVS) | VVS1VVS2 | Chỉ phát hiện bao thể rất rất nhỏ |
4 | Very Slightly Included (VS) | VS1VS2 | Chỉ phát hiện bao thể rất nhỏ |
5 | Slightly Included (SI) | SI1SI2 | Phát hiện bao thể nhỏ |
6 | Included (I) | I1I2I3 | Có bao thể |
3. Tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA – Carat weight (Trọng lượng)
Carat (ct) là đơn vị đo trọng lượng dùng cho hầu hết các loại đá quý chứ không chỉ đo trọng lượng của kim cương.
Trong đó: 1 ct = 0,20 gr (200 mg) = 100 điểm (point, pt); 142 ct = 1 ounce
Trọng lượng carat thường viết dưới dạng số thập phân với hai chữ số sau dấu “,” ví dụ 0,30ct.
Quy ước làm tròn trọng lượng kim cương như sau: 0,952 làm tròn 0,95; 0,958 làm tròn 0,96.
Trọng lượng của viên kim cương (carat weight) được đo lường thông qua thiết bị cân điện tử với độ chính xác cao.
Cân điện tử được dùng để cân trọng lượng của kim cương
4. Tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA – Cut (Giác cắt)
Giác cắt là tiêu chí duy nhất trong 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn 4C kim cương được đánh giá dựa trên trình độ chuyên môn, tay nghề của người thợ chế tác.
Theo đó những người thợ chế tác lành nghề sẽ sử dụng thiết bị hiện đại để biến “kim cương thô” thành viên kim cương được đánh bóng với kiểu chế tác, hình dạng xác định. Vẻ đẹp của viên kim cương sẽ tăng lên nhiều lần và hoàn toàn “lột xác” nếu người thợ chế tác biết cách khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của viên kim cương thô.
Theo đó, kiểu chế tác tròn (Round Brilliant) là kiểu chế tác tiêu chuẩn, phổ biến nhất với kim cương. Việc phân cấp chất lượng giác cắt của viên kim cương chỉ được áp dụng dựa trên kiểu chế tác này.
Thông thường kiểu chế tác tròn bao gồm 58 mặt giác với quy ước tên gọi như sau:
Tên mặt giác(Tiếng Việt) | Tên mặt giác(Tiếng Anh) | Số lượng |
Mặt bàn | Table facet | 1 |
Mặt sao | Table facet | 8 |
Mặt chính trên(Mặt diều hay mặt vát) | Bezel facet | 8 |
Mặt trên thắt lưng | Upper half facet | 16 |
Mặt chính dưới | Pavilion facet | 8 |
Mặt dưới thắt lưng | Lower half facet | 16 |
Tim đáy | Culet | 0 hoặc 1 |
Tổng | 57 hoặc 58 |
Chất lượng chế tác của viên kim cương sẽ căn cứ vào 3 yếu tố:
- Độ cân đối (Proportion)
- Độ đối xứng (Symmetry)
- Độ bóng (Polish)
Theo đó, chất lượng chế tác của viên kim cương (giác cắt) được phân thành 5 cấp độ bao gồm: Excellent (Hoàn hảo) – Very good (Rất tốt) – Good (Tốt) – Fair (Trung bình) – Poor (kém).
Các cấp chất lượng chế tác trong thang phân cấp của GIA
Kết luận: Trên đây là tiêu chuẩn 4C kim cương theo GIA để giám định chất lượng của một viên kim cương từ đó có thể định giá giá trị viên kim cương cao hay thấp. Khách hàng quan tâm thông tin các loại giấy tờ kiểm định kim cương và cách đánh giá chất lượng kim cương tham khảo tại đây.